Khái niệm mới trong sản xuất và phân phối thực phẩm hiện đại

30/06/2016

Phòng vệ thực phẩm (PVTP) là một hệ thống mà doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động ứng dụng xuyên suốt quá trình chế biến, sản xuất...

 

Ông Phạm Hồng Dương - Chủ tịch Ủy ban Mía đường Tập đoàn TTC thuyết trình ở Hội thảo Phòng vệ thực phẩm tại Bình Dương

Phòng vệ thực phẩm (PVTP) là một hệ thống mà doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động ứng dụng xuyên suốt quá trình chế biến, sản xuất để hạn chế tối đa các tác động vào thực phẩm nếu có bằng cách sử dụng hóa chất, tác nhân sinh học hoặc các chất có hại khác một cách cố ý.

Mục tiêu của những tác động này có thể nhằm làm hại sức khỏe người sử dụng, làm giảm uy tín sản phẩm, nhãn hàng, doanh nghiệp, hủy hoại một ngành sản xuất, và gây ảnh hưởng lớn đến trật tự, an ninh xã hội.

Sự khác biệt giữa "Phòng vệ thực phẩm" và "An toàn thực phẩm"

Có thể hiểu, an toàn thực phẩm đề cập đến nguy cơ nhiễm bẩn ngẫu nhiên của sản phẩm thực phẩm trong quá trình sản xuất, lưu trữ, phân phối và tập trung vào các tác nhân sinh học, hóa học hoặc các nguy cơ vật lý. Các yếu tố chính của sự mất an toàn thực phẩm là vi khuẩn, hóa chất và các tác nhân bên ngoài.

Thực tế, sản phẩm có thể bị ô nhiễm thông qua sự bất cẩn, cẩu thả và ô nhiễm xảy ra trong quá trình sản xuất, lưu trữ và vận chuyển. Còn đối với PVTP, đây là một hệ thống giúp ngăn ngừa và làm giảm các tác động cố ý vào thực phẩm như việc sử dụng hóa chất, tác nhân sinh học hoặc các chất có hại khác.

Tại Việt Nam, khái niệm PVTP còn khá mới mẻ và chưa được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm. Thậm chí, ngay tại Hoa Kỳ, một quốc gia đứng đầu thế giới với những tiêu chuẩn rất khắt khe áp dụng cho toàn bộ quá trình từ sản xuất, chế biến và phân phối đến tay người tiêu dùng cũng mới áp dụng khái niệm này hơn một thập niên vừa qua.

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường của khủng bố, đặc biệt sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, Hoa Kỳ đã đặt mọi lĩnh vực, ngành nghề trong tình trạng cần phải được bảo vệ ở mức cao nhất; trong đó lần đầu tiên đưa ra thông cáo về việc phải áp dụng hệ thống PVTP trên toàn lãnh thổ.

Xây dựng một kế hoạch PVTP có thể giúp doanh nghiệp xác định các bước để giảm thiểu nguy cơ các sản phẩm thực phẩm trong doanh nghiệp mình có khả năng bị ô nhiễm do cố ý hoặc thay đổi. Nhất là khi doanh nghiệp không thể tiên đoán được hành vi cố ý này nên khả năng loại trừ 100% tác động rất khó đảm bảo.

Do vậy, một hệ thống PVTP đặc biệt rất hữu ích trong trường hợp khẩn cấp; đặc biệt khi có khủng hoảng, khi doanh nghiệp đối mặt với tình trạng căng thẳng cao độ và thời gian giải quyết hạn chế. Việc xây dựng một hệ thống PVTP hiệu quả không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí mà còn tạo ra một môi trường làm việc an toàn cho nhân viên, cung cấp sản phẩm được kiểm soát và bảo vệ giá trị thương hiệu .

Xây dựng hệ thống Phòng vệ thực phẩm thế nào cho hiệu quả?

Yếu tố quan trọng đầu tiên trong việc xây dựng hệ thống PVTP chính là vai trò của các nhân viên sản xuất trực tiếp. Đây là những người phòng vệ ngay ở "tuyến đầu" trong toàn bộ quá trình sản xuất.

Vai trò của người sản xuất trực tiếp không chỉ là tham gia vào quá trình tạo ra sản phẩm, đảm bảo chất lượng như quy định mà còn là người đảm bảo các quy trình phòng vệ được thực thi và phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn đầu tiên. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra 5 quy tắc quan trọng FIRST cho phòng vệ "tuyến đầu" này để ngăn ngừa các nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình sản xuất.

Đó là F (follow): tuân thủ kế hoạch và quy định bảo vệ thực phẩm của công ty; I (Inspect): kiểm tra khu vực làm việc và khu vực chung quanh; R (Recognize): phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào bất thường); S (Secure): bảo vệ tất cả các chất phụ gia, vật liệu và thành phẩm; T (Tell): báo cáo cho cấp trên thấy dấu hiệu bất thường hay khả nghi.

Nếu các nhân viên sản xuất trực tiếp bảo đảm phòng vệ "tuyến đầu" thì người đứng đầu doanh nghiệp đóng một vai trò quyết định trong việc triển khaithành công hệ thống PVTP. Bởi lẽ, một trong những đặc thù của hệ thống PVTP là không có một mô hình mẫu hay các tiêu chuẩn rõ ràng như ISO (hệ thống quản lý chất lượng), 5S (phương pháp quản lý sản xuất của Nhật Bản) hay có các chứng chỉ được cấp bởi các tổ chức thẩm định.

Hiệu quả của quá trình thực hiện phụ thuộc vào ý chí của doanh nghiệp trên cơ sở triển khai các nguyên tắc cơ bản được khuyến nghị bởi cơ quan có thẩm quyền (như Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ USDA). Do vậy, ý chí của người đứng đầu doanh nghiệp gần như quyết định sự thành công của hệ thống.

Với tầm quan trọng như vậy, hệ thống PVTP được xem là kim chỉ nam để doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như hình ảnh thương hiệu của mình. Trước xu thế hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng, từ năm 2010, Tập đoàn TTC đã tiên phong trong việc nghiên cứu và xây dựng hệ thống PVTP; đồng thời kết hợp với Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) và Trường Đại học Công nghệ Thực phẩm Tp.HCM thực hiện chuỗi Hội thảo nâng cao nhận thức về PVTP.

Trong năm 2016, các buổi hội thảo PVTP được triển khai tại Tây Ninh (tháng 3/2016), Tp.HCM (tháng 4/2016), Bình Dương (tháng 5/2016) với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất, và phân phối sản phẩm thực phẩm. Chương trình hội thảo này sẽ tiếp tục được tổ chức đến cuối năm 2016 tại nhiều tỉnh thành khác như: Đồng Nai, Đà Lạt, Gia Lai, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng…

Thông qua các buổi hội thảo, các doanh nghiệp không chỉ được cung cấp các kiến thức nền tảng mang tính học thuật mà còn học hỏi cách thức triển khai thực tế thông qua những ví dụ điển hình trong quá trình xây dựng và áp dụng hệ thống PVTP vào sản xuất của Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS), Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa (BHS) và các đối tác của TTC.

Như lời chia sẻ của ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TTCS: "Bên cạnh các giải pháp đa dạng hóa sản phẩm, cắt giảm giá thành…, đã đến lúc các doanh nghiệp cần phải nghiêm túc nhìn nhận về tầm quan trọng của công tác PVTP nhằm mang đến các sản phẩm an toàn, vì sức khỏe người tiêu dùng. Việc xây dựng hệ thống PVTP cũng là một chiến lược để phát triển và mở rộng thị trường khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay".

Theo Nông nghiệp Việt Nam