CEO BHS Trần Quế Trang: Tái cấu trúc doanh nghiệp - Lời giải cho bài toán hội nhập

31/05/2016

Kết thúc quý 3 theo niên độ mới, Công ty Cổ phần Đường Biên Hoà (BHS) ghi nhận lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 211 tỉ đồng, tăng 127% so với cùng kì – mức kỷ lục trong lịch sử 47 năm hoạt động.

 CEO BHS - Bà Trần Quế Trang

CEO BHS - Bà Trần Quế Trang

Có thể thấy, trước thách thức chung của ngành đường, BHS đã phát huy hiệu quả minh chứng rõ nét cho hiệu quả hậu M&A. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Bà Trần Quế Trang, nữ CEO 8x với hơn hai năm gắn bó cùng BHS, về hoạt động của công ty sau giai đoạn tái cấu trúc.

Thời gian gần đây, BHS liên tục lọt top cổ phiếu được khuyến nghị tích lũy sau khi chính thức công bố Báo cáo tài chính quý 3 niên độ 2015 – 2016, Bà có thể chia sẻ thêm về điều này?

Kết thúc hoạt động trong quý 3 theo niên độ mới, tổng tài sản của BHS đạt hơn 5.416 tỷ đồng, tăng 2.986 tỷ đồng, tương ứng hơn 122,88% so với đầu năm; doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.176 tỷ đồng, tăng 54,94% so với cùng kỳ năm 2015; lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt gần lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 211 tỉ đồng, tăng 127% so với cùng kì. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của BHS trong gần 50 năm hình thành và phát triển.

Với kết quả kinh doanh khả quan như trên, thị giá cổ phiếu BHS ở thời điểm hiện tại cũng được ghi nhận đạt mức tăng trưởng 200%. Bên cạnh đó, việc khối ngoại mua ròng tăng đáng kể trong tháng đã cho thấy góc nhìn lạc quan và kỳ vọng của nhà đầu tư về tiềm năng phát triển của BHS trong tương lai bất chấp những thách thức của ngành đường.

Vậy bà hãy cho biết điều gì làm nên kết quả tích cực của BHS trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đường trong nước phải tạm ngưng hoạt động do thiếu hụt nguyên liệu?

Sau giai đoạn chuẩn bị kỹ càng, việc hoàn tất sáp nhập với Công ty Đường Ninh Hòa và sau đó là “kết nối miếng ghép hoàn thiện với” Công ty Đường Phan Rang cuối năm 2015 đã tạo cơ sở cho BHS để phát huy tối đa lợi thế của các bên, tăng cường quy mô hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cụ thể, hậu sáp nhập, tổng diện tích vùng nguyên liệu BHS tăng từ 12.000 ha lên 22.100 ha, tổng công suất tăng 103% đạt 13.200 TMN kéo theo mức tăng tổng sản lượng đường sản xuất hơn 152%. Do đặc thù giá mía nguyên liệu chiếm hơn 80% giá thành sản xuất đường, nên với qui mô sau sáp nhập BHS đã giải quyết hiệu quả bài toán cân bằng giữa năng suất và giá thành sản phẩm.

Chúng tôi cũng đặt mục tiêu rõ ràng về việc quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, áp dụng cơ giới hóa, đảm bảo giống mía phù hợp nhất cùng quy trình canh tác phù hợp, tăng cường tưới tiêu, điều độ thu hoạch và sản xuất thực sự chủ động giữa các nhà máy. Với phương thức này, BHS đang tiến gần đến mục tiêu giảm giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Yếu tố thương hiệu và thị trường đang thể hiện tầm quan trọng trong hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, Bà nghĩ sao về ý kiến cho rằng kết quả BHS đạt được hôm nay là nhờ vào thương hiệu Đường Biên Hòa do lịch sử phát triển gần 50 năm?

Không thể phủ nhận nền tảng thương hiệu là một lợi thế nổi trội của Đường Biên Hòa so với các doanh nghiệp cùng ngành. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xác định rõ, thương hiệu muốn bền vững phải được chăm sóc, nên kết quả hoạt động hôm nay của BHS còn đến bởi các giải pháp cụ thể để không bị “chậm chân” trong cuộc chơi lớn.

Vì vậy sau M&A, thì BHS đã lập tức tái cấu trúc bộ máy, hoàn thiện hệ thống quản lý, đặc biệt trong khâu nông nghiệpnhằm tối ưu hiệu quả sản xuất, dịch chuyển việc vận hành theo các giải pháp tiên tiến, tiếp tục hoàn thiện chuỗi giá trị ngành, xác định rõ không chỉ dừng ở việc cung ứng đường ra thị trường mà phải là các sản phẩm đáp ứng tối ưu được nhu cầu. Các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm được đầu tư mạnh, từ khâu canh tác, sản xuất, bảo quản, và đặc biệt là củng cố hệ thống phân phối.

BHS cũng chủ động phối hợp với CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) phổ biến và triển khai hệ thống Phòng vệ thực phẩm (Food Defense) trên toàn hệ thống và tại tất cả các điểm phân phối, với mong muốn tự bản thân phòng vệ hiệu quả và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nhân rộng mô hình này, đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng… Và đến nay, BHS tự tin giữ vững phương châm “Chất lượng làm nên thương hiệu”, tạo ra giá trị thiết thực cho người tiêu dùng với tinh thần trách nhiệm và chia sẻ.

Hiện nay, hơn 50% thị trường bán lẻ trong nước đang nằm trong tay nhà đầu tư Thái Lan, BHS có những chiến lược gì để củng cố vị thế và phát triển hoạt động ngay trên chính sân nhà?

Các mặt hàng tiêu dùng Thái Lan cũng như đường Thái nói riêng có sức hấp dẫn lớn đối với người tiêu dùng Việt do giá thành cạnh tranh, tuy nhiên sản phẩm đường trong nước cũng sở hữu những lợi thế nhất định về thị phần, thương hiệu, tập quán tiêu dùng. Cạnh tranh hiểu theo cách nào đó lại là động lực để thôi thúc các doanh nghiệp phải vận động nếu không muốn thua ngay trên sân nhà.

Định hướng phát triển bền vững thương hiệu BHS hiện đang tập trung vào các chương trình đồng hành cùng người nông dân, hiện đại quy trình canh tác và sản xuất, kiểm định chất lượng sản phẩm, nghiên cứu phát triển phụ phẩm sau đường như cồn, mật rỉ, nước cất tinh khiết, đồng phát nhiệt điện từ bã mía với công suất của nhà máy BHS – NHS hiện đạt 36MW (20MW tự dùng, 16MW phát lên lưới điện quốc gia).

Hưởng ứng cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ, BHS đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tiêu sử dụng năng lượng mặt trời, góp phần bảo vệ môi trường, giải quyết bài toán thiếu hụt năng lượng. Tại Hội thảo thường niên Quốc tế Mía đường vào tháng 8/2016 tới đây, nơi các doanh nghiệp và chuyên gia đầu ngành gặp gỡ để trao đổi, BHS sẽ chia sẻ mô hình này.

Về thị trường, bên cạnh 9 dòng sản phẩm chủ lực theo tiêu chuẩn quốc tế hiện nay, BHS đang phát triển các chủng loại đường vi chất có lợi cho sức khỏe, tham gia các chương trình bình ổn giá bán, mở rộng hệ khách hàng tiêu dùng và công nghiệp, trên cơ sở mạng lưới hơn nhà phân phối hiện có trên khắp cả nước. Đặc biệt, mô hình branshop - một điểm nhấn độc đáo trong chuỗi giá trị đường TTC đang được đẩy mạnh triển khai với mục tiêu phủ sóng 63 tỉnh thành đến năm 2020.

Tôi nghĩ rằng, với những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn đường lậu và cơ chế khuyến khích “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như hiện nay, BHS nói riêng cũng như doanh nghiệp Việt sẽ còn nhiều cơ hội để khẳng định thương hiệu.

Các yếu tố cộng hưởng sau sáp nhập đã mang lại các giá trị cụ thể thúc đẩy hoạt động BHS trong niên vụ vừa qua, vậy dự định Công ty sẽ có thêm bước tiến táo bạo nào trong thời gian tới?

Thực tế cho thấy việc củng cố và tăng cường quy mô hoạt động qua bước đi M&A đã giúp BHS đạt được các kết quả khả quan, và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm. Theo đó, BHS đang nghiên cứu các giải pháp và lộ trình triển khai cụ thể để tận dụng xu thế này, chỉ có từ đây mới hoàn thiện được việc liên kết toàn diện để khép kín chuỗi giá trị ngành đường. Đây là hướng đi “tất yếu” của Công ty. Và đến năm 2018, đích cán cho việc thực hiện giảm thuế theo lộ trình hộ nhập, khi BHS đã tự tin và chủ động với xu hướng, và cũng kiên định với mục tiêu phát triển bền vững và kiểm soát thách thức thì BHS cũng như cá nhân tôi cho rằng, phát triển thương hiệu Việt từ sự trưởng thành của công tác tổ chức là điều đương nhiên để đi đến sự vững vàng.

Xin trân trọng cảm ơn bà về những chia sẻ này!

Theo Trí thức trẻ