Xã Lạc Lương đổi thay nhờ Dự án giảm nghèo

12/09/2017

Xã Lạc Lương (Yên Thủy) trước đây là vùng đất khó khăn, KT-XH không có bước đột phá. Cuộc sống của người dân từng bước thay đổi kể từ khi có Dự án giảm nghèo.

Xóm Yên Tân, xã Lạc Lương (Yên Thủy) trồng mía theo mô hình liên kết của Dự án giảm nghèo mang lại hiệu quả kinh tế khá.

Cánh đồng xóm Yên Mu ở vụ mía đường trước có tổng diện tích 6,9 ha. Với diện tích này, Dự án giảm nghèo đã lựa chọn những thành viên cùng sở thích tham gia liên kết trồng và tiêu thụ mía đường, hỗ trợ giống, một phần vật tư giai đoạn đầu. Chị Bùi Thị Duân, trưởng nhóm trồng mía liên kết cho biết: Các hộ tham gia yên tâm, phấn khởi bởi so với các cây trồng khác, cây mía đường mang lại giá trị thu nhập cao hơn, các thành viên được tiếp cận với phương thức làm ăn mới, thị trường đầu ra được bao tiêu ổn định. Niên vụ 2016 – 2017, năng suất bình quân trên diện tích mía trồng liên kết của nhóm đạt trên 80 tấn/ha, sản lượng tăng lên rõ rệt. Trên đà thành quả đã có, nhóm đã mở rộng thêm diện tích mía niên vụ 2017 – 2018 lên 11 ha với 27 hộ thành viên tham gia.

Đường vào khu sản xuất Đống âm, xóm Yên Tân giờ được bê tông hóa thay thế đoạn đường gồ ghề đá, sỏi khi xưa. Với chiều dài 370 m, tổng giá trị đầu tư hơn 270 triệu đồng từ hợp phần ngân sách phát triển xã, công trình đáp ứng nhu cầu hạ tầng sản xuất thiết yếu của các hộ. Công việc đồng áng của bà con thuận tiện hơn vì giờ đây đã có thể vận chuyển hàng hóa, vật tư bằng xe máy, xe cải tiến, xe đầu kéo. Hoàn thành và bàn giao từ tháng 6/2016, đường còn có cống kết cấu liên hợp, đảm bảo việc đi lại, vận chuyển trên đường ở cả mùa khô và mùa mưa. Một công trình khác cũng vừa được Dự án giảm nghèo đầu tư như làm mới mương Đồng Sậm Sống đi Sậm Cả, xóm Thống Nhất có giá trị đầu tư gần 1,4 tỷ đồng, hoàn thành vào tháng 2/1017.

Theo bà Bùi Thị Sắng, xóm Thống Nhất: Trước đây, việc sản xuất của bà con trong xóm rất vất vả vì không đảm bảo nguồn nước tưới. Từ khi có con mương này, việc lấy nước cho đồng ruộng đã dễ dàng, không mất công, mất sức nhiều như trước. Nhiều hộ đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở mang diện tích mía, tăng vụ ngô, lạc.

Nói về những đổi thay diện mạo KT-XH của xã, đồng chí Bùi Văn Phầy, Chủ tịch HĐND xã nhận định: Có sự đóng góp không nhỏ của Dự án giảm nghèo. Kể từ năm 2010 đến nay, xã Lạc Lương đã được dự án đầu tư hàng chục công trình đường giao thông quy mô nhỏ, thủy lợi nội đồng, đường vào khu sản xuất… Mặt khác, nhiều chương trình hỗ trợ sản xuất, cải thiện sinh kế bền vững được dự án triển khai. Qua đó giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm và nguồn thu nhập. Hiện nay, các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, tổ nhóm sinh kế phát triển tốt, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 62% xuống còn 40% (năm 2016). Cũng qua các hoạt động hỗ trợ của Dự án, nhân dân được tập huấn, nâng cao kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Đội ngũ cán bộ xã, thôn được tăng cường trình độ, năng lực quản lý, tránh rủi ro trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Mỗi năm, bình quân tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm 5%. Nhiều hộ thoát nghèo và không có hiện tượng tái nghèo

 

Theo Báo Hòa Bình