Thành thành công Gia Lai: Đẩy mạnh khuyến nông trên cây mía

05/09/2017

Công tác khuyến nông là một công tác giữ vai trò không kém phần quan trọng trong việc giúp cây mía sinh trưởng và phát triển.Thời gian qua, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai (TTCS Gia Lai) đã đẩy mạnh công tác này nhằm giúp cây mía phát triển tốt, tăng năng suất và sản lượng, phục vụ cho vụ ép 2017-2018 sắp tới.



Áp dụng cơ giới hóa và tưới hữu hiệu là những mục tiêu quan trọng trong công tác khuyến nông. Ảnh: Hmuan

Vụ ép 2016-2017 của TTCS Gia Lai đã kết thúc tốt đẹp. Cán bộ nhân viên khối Nguyên liệu TTCS Gia Lai tiếp tục bắt tay vào công tác khuyến nông cho vụ trồng và chăm sóc.

Với đặc thù khí hậu lòng chảo, cộng thêm sự biến đổi thất thường của thời tiết gây nhiều bất lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây mía. Bên cạnh đó, với những hạn chế còn tồn tại trong tập quán canh tác của người trồng mía như rải phân trên mặt đất, không làm sạch cỏ dại, cày cạn, đốt lá sau thu hoạch, sản xuất mía còn phụ thuộc vào nước trời... cũng là những tác nhân khiến cho cây mía kém năng suất.

Trước những thực trạng trên, TTCS Gia Lai đã đưa ra những chương trình, phương án thực hiện các công tác khuyến nông để thay đổi tình hình. Một trong những chương trình chủ yếu của công tác khuyến nông là chương trình Cánh đồng mẫu lớn. Từ những diện tích nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung, khó áp dụng các kỹ thuật canh tác mía hiện đại, TTCS Gia Lai đã vận động nông dân phá bỏ bờ lô, góp thửa, tạo thành các cánh đồng mẫu lớn tại các huyện Krông pa, Ia Pa và thị xã Ayun Pa. Đây là thành công bước đầu tạo tiền đề cho việc áp dụng cơ giới hóa từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch, áp dụng các mô hình tưới hữu hiệu... thì việc tăng năng suất cho cây mía là điều không quá khó.Thành công của công tác khuyến nông tại các cánh đồng mẫu lớn là những mô hình mẫu để bà con trồng mía “tận mắt thấy” được những hiệu quả, từ đó nhân rộng các công tác khuyến nông trên toàn vùng nguyên liệu. Có thể nói, đây là một kết quả có hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ, thời gian đi vận động, giảng giải, thuyết phục bà con được rút ngắn hơn sotrước đây.

Bà Trần Thị Lê-Phó phụ trách Phòng Kỹ thuật Nông nghiệp TTCS Gia Lai cho biết: “Công tác khuyến nông bao gồm rất nhiều mảng, nhưng mục đích chung quy lại là làm sao để tăng năng suất, chất lượng cây mía với các điều kiện tự nhiên tại vùng nguyên liệu. Chúng tôi đã triển khai rất nhiều phương án, chương trình khuyến nông trên toàn vùng nguyên liệu và đạt được các kết quả tương đối tốt trong vụ 2016-2017 như: diện tích cày ngầm đạt 1.183 ha, diện tích tưới hữu hiệu đạt 993 ha, năng suất mía bình quân đạt 60 tấn/ha, chữ đường bình quân đạt 9.6… cán bộ nhân viên phòng đang tiếp tục duy trì, phát huy hơn nữa các kết quả đạt được nhằm nhân rộng hiệu quả các chương trình khuyến nông đang áp dụng. Ngoài sự quan tâm của Ban lãnh đạo Công ty, sự phối hợp của Chính quyền địa phương, chúng tôi đang nỗ lực để vận động, tuyên truyền cho người trồng mía hiểu và hợp tác thực hiện công tác khuyến nông”.

Đối với công tác tưới, TTCS Gia Lai đã đầu tư lắp trạm biến áp và kéo đường điện hạ thế vào vùng sâu, trên 3.200 mét kênh thủy lợi chính dọc thôn Bình Trang, thôn Yên Phú B tại xã Chroh Pơnan, huyện Phú Thiện với kinh phí đầu tư lên đến 2 tỷ đồng để nông dân chủ động tưới mía tiết kiệm, hiệu quả hơn so với tưới bằng dầu; triển khai các chính sách đầu tư cho nông dân mua các máy móc thiết bị tưới, hỗ trợ nông dân có diện tích từ 3 ha trở lên 50 triệu đồng/nông dân để đầu tư hệ thống tưới béc quay, hệ thống ống và dây dẫn điện.

Đối với công tác cung cấp giống sạch bệnh, TTCS Gia Lai phối hợp với Trung tâm nghiên cứu ứng dụng mía đường TTC (SRDC) thành lập chi nhánh tại Gia Lai triển khai thực hiện công tác nghiên cứu, khảo sát, thực nghiệm, khảo nghiệm các loại giống mới sạch bệnh, có khả năng kháng sâu bệnh cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng nguyên liệu TTCS Gia Lai để chuyển giao cho người trồng mía trong thời gian sắp tới. Còn với tình hình bệnh trắng lá mía, TTCS Gia Lai đã và đang thực hiện các biện pháp phòng trừ và đầu tư kinh phí xử lý, loại bỏ cây bị nhiễm, đồng thời phối hợp với các phòng ban chuyên môn thuộc các huyện, thị đề ra các phương án xử lý mạnh mẽ, quyết liệt các diện tích bị trắng lá, hỗ trợ nông dân tối đa.

Hiện tại, các cán bộ Kỹ thuật nông nghiệp TTCS Gia Lai thường xuyên kiểm tra ruộng mía nhằm kiểm tra tình hình sinh trưởng của mía, phát hiện và xử lý kịp thời các loại sâu bệnh hại, nhắc nhở người dân bón phân, làm cỏ đúng thời điểm; tuyên truyền, giải thích các quy trình, canh tác mía đúng cách, khoa học: lấp đất sau khi bón phân, khuyến khích chủ mía đưa thiết bị cày sâu vào làm đất phá vỡ tầng đế cày, tăng độ sâu tầng canh tác giúp bộ rễ mía phát triển sâu hơn, giữ ẩm cho đất tốt hơn, tăng khả năng chống chịu hạn, đổ ngã và thời gian lưu gốc; đưa ra một số khuyến cáo về lưu lượng phân bón; không quá lạm dụng thuốc diệt cỏ gây hủy hoại đất.

Ngoài ra, một số giải pháp khác để canh tác mía hiệu quả như đốn mía sát gốc, để lá sau thu hoạch, bổ sung phân hữu cơ và bã bùn, luân/xen canh để cải tạo đất, chương trình giống mía có kiểm soát… cũng được TTCS Gia Lai lưu ý vận động nông dân thực hiện.

Với vai trò quan trọng của công tác khuyến nông, TTCS Gia Lai đang từng bước triển khai các chương trình khuyến nông chính yếu bằng những buổi Hội thảo kỹ thuật, Hội thảo đầu bờ vào tháng 9, tháng 10 hằng năm hay các tham luận về khuyến nông trong các Hội nghị lớn của Công ty dành cho khách hàng nông nghiệp.Đồng thời tiếp tục phối hợp với các phòng Nông nghiệp các huyện, thị xã thuộc vùng nguyên liệu của Công ty, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai trao đổi thông tin thông suốt về công tác khuyến nông, tổ chức các buổi hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp với phương châm liên kết 4 “Nhà”: Nhà máy - Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà nước, tiếp tục cuộc vận động, tuyên truyền nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác khoa học, hiệu quả, tăng năng suất mía, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân và nhà máy trong những năm sắp tới.

 

Theo Báo Gia Lai