Hiệu quả từ trồng mía thích ứng với biến đổi khí hậu

12/09/2017

Thực hiện mô hình trồng mía thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp huyện Cù Lao Dung đã sử dụng thí điểm giống mía Khonkhen3 (hay còn gọi là KK3). Loại giống mía này đã cho kết quả khả quan.

Giống mía KK3 có xuất xứ từ Thái Lan, được Viện Nghiên cứu Mía đường nhập vào Việt Nam từ năm 2010, sau đó được Trại Giống cây trồng huyện Long Phú đưa vào khảo nghiệm ở Sóc Trăng và có mặt tại huyện Cù Lao Dung vào năm 2015. Vào thời điểm đó, giống mía trên chưa được biết đến rộng rãi vì số lượng giống rất ít. Tuy nhiên, với thời gian gần 1 năm, ông Lê Thành Phương ở ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung đã tìm tòi và nhân giống mía KK3. Tính đến nay, giống mía này đã được phát triển gần 30ha.

Ông Huỳnh Quốc Toản ở ấp Văn Sáu, xã Đại Ân 1 tiếp tục trồng giống mía KK3.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thành Phương cho biết: “Gia đình tôi chủ yếu sống bằng nghề trồng mía. Qua nhiều năm đã trồng rất nhiều loại giống, nhưng theo tôi nhận thấy giống mía KK3 này nhanh phát triển, chất lượng và chữ đường khá cao”. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, nhận thấy được đặc tính của giống mía KK3 có khả năng chịu hạn, mặn, ngành nông nghiệp huyện đã mang giống mía KK3 vào thử nghiệm ở các mô hình mía thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp với các biện pháp, như: bón phân và cơ giới hóa. Kết quả, sau hơn 1 năm triển khai, giống mía đã thực sự mang lại hiệu quả cao.

Là hộ được địa phương chọn để thực hiện thí điểm trồng giống mía KK3, ông Huỳnh Quốc Toản ở ấp Văn Sáu, xã Đại Ân 1 cho biết: “Trồng giống mía KK3 trong vụ vừa rồi tôi thu hoạch cho năng suất khá cao, trung bình được 15 - 16 tấn/công, chữ đường đạt khoảng 13CCS, cao hơn những giống mía trước mà tôi đã từng trồng”.

Vì là giống mía cho năng suất cao nhưng số lượng giống lại không đủ cung ứng trên thị trường nên giá mía giống hiện nay khá đắt, 1kg hom giống KK3 có giá dao động từ 2.000 đồng đến 2.500 đồng. Nhiều hộ trồng mía hom tại Cù Lao Dung đang tích cực nhân giống loại này để phổ biến cho bà con. Điển hình như hộ anh Lê Vũ Lâm ở ấp Nguyễn Công Minh A, xã An Thạnh Đông có đến 7 công hom giống KK3. Anh Lâm bộc bạch: “Ở vùng cù lao chủ yếu trồng giống 92-95 nhưng hiện giờ trồng mấy loại đó bị thoái hóa, gặp hạn, mặn là cây hay chết. Bây giờ, bà con chủ yếu tập trung chuyển qua giống mới là giống KK3 để canh tác”.

Ngành nông nghiệp huyện Cù Lao Dung hiện đang triển khai thực hiện thí điểm 2 cánh đồng mía mẫu với diện tích trên 60ha tại các xã: An Thạnh 2, Đại Ân 1, chỉ sử dụng mía chất lượng cao KK3; đồng thời, kết hợp cơ giới hóa trên cây mía. Bên cạnh đó, phối hợp với các công ty phân bón liên kết ở khâu đầu vào và liên kết đầu ra với các công ty mía đường trong và ngoài tỉnh để bao tiêu cho bà con.

Đồng chí Đồ Văn Thừa - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung cho biết: “Theo chủ trương của UBND huyện, trong niên vụ mía 2017 - 2018, huyện khuyến cáo bà con trồng những giống mía có chất lượng để có thể cho năng suất cao và khả năng chống chịu hạn tốt. Theo đó, huyện đã chọn giống mía KK3 để đưa vào cho bà con sản xuất, bước đầu cho thấy hiệu quả khá tốt”.

Theo Báo Sóc Trăng