Khởi sắc kinh tế vùng biên

24/08/2017

Gần 5 năm qua, dự án đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp ở các huyện Châu Thành, Bến Cầu đã phát huy hiệu quả. Đó không chỉ là niềm vui, thành quả của doanh nghiệp, mà còn mang ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội, xây dựng vùng biên giới hoà bình, ấm no, sung túc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cánh đồng mía Nông trường Ninh Điền (Công ty TNHH Hưng Thịnh) ngày 4.6.2016. Ảnh: Đặng Hoàng Thái

Tỉnh Tây Ninh có 240km đường biên giới giáp 3 tỉnh thuộc vương quốc Campuchia với 2 cửa khẩu quốc tế và hàng chục cửa khẩu chính, phụ. Địa hình vùng biên giới trong tỉnh hầu hết là đồng bằng, rất thuận lợi cho việc giao thương cũng như phát triển sản xuất công, nông nghiệp. Do vậy việc phát triển kinh tế vùng biên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh ta luôn chú trọng.

Từ cuối năm 2012 - đầu năm 2013, UBND tỉnh đã quyết định thu hồi nhiều dự án kinh tế không phát triển trước đó để giao đất lại cho các doanh nghiệp mới đầu tư. Gần 5 năm qua, dự án đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp ở các huyện Châu Thành, Bến Cầu đã phát huy hiệu quả. Đó không chỉ là niềm vui, thành quả của doanh nghiệp, mà còn mang ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội, xây dựng vùng biên giới hoà bình, ấm no, sung túc.

XÂY DỰNG THÊM NHÀ MÁY, TĂNG SỨC CẠNH TRANH NGÀNH MÍA ĐƯỜNG

Tháng 6.2013, UBND tỉnh có văn bản đồng ý cho Công ty cổ phần Nông trường NIVL chuyển nhượng dự án lại cho Công ty TNHH Hưng Thịnh (Nông trường mía Ninh Điền) với quy mô diện tích 1.500 ha nằm trên địa bàn ấp Gò Nổi, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành.

Sau gần 5 năm đi vào hoạt động, nông trường đã có những thay đổi rõ rệt. Nếu sản lượng mía trước đây của Nông trường NIVL đạt cao nhất chỉ khoảng 30.000 tấn/vụ thì ngay vụ sản xuất đầu tiên, nông trường mía Ninh Điền đã đạt 86.000 tấn, gấp hơn 3 lần, với năng suất bình quân là 70 tấn mía cây/ha.

Đặc biệt, với kinh nghiệm làm nông “nhất nước nhì phân”, đầu năm 2016, Ban Giám đốc Công ty Hưng Thịnh quyết định đầu tư 60 tỷ đồng để trang bị hệ thống tưới mía lấy nước từ sông Vàm Cỏ Đông.

Hiện tại đã lắp được 4 giàn phun bảo đảm tưới cho khoảng 630 ha. Dự kiến thời gian tới sẽ lắp thêm 3 giàn để tưới cho diện tích mía còn lại. “Khi đưa vào sử dụng hệ thống tưới có thể tăng năng suất mía lên khoảng 100 tấn/ha”, ông Nguyễn Quang Hợp (Tư Hợp)- thành viên Hội đồng quản trị công ty cho biết.

Một trong những bước đột phá của Công ty Hưng Thịnh là việc đầu tư xây dựng nhà máy đường tại vùng sản xuất mía Ninh Điền. Đưa chúng tôi đi tham quan công trường đang xây dựng nhà máy, ông Tư Hợp giới thiệu, nhà máy đường được đầu tư với công suất chế biến 2.000 đến 3.000 tấn mía/ngày.

“Đến cuối năm 2017 này, nhà máy, sẽ đi vào hoạt động. Vụ đầu tiên có thể sẽ chạy khoảng 2.500 tấn/ngày. Với sản lượng mía của nông trường hiện nay sẽ không đủ nguyên liệu cung ứng cho nhà máy, nên công ty phải mua thêm mía của người dân ngoài nông trường khoảng 3.000 ha, tương đương 180.000 tấn mía”, ông Tư Hợp cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Thủ, Chủ tịch UBND xã Ninh Điền, 10 năm trước, vùng biên giới Ninh Điền còn rất nhiều khó khăn. Vùng sản xuất mía tuy có nhưng năng suất rất thấp, 5 năm trở lại đây, cụm công nghiệp trên địa bàn xã đã có 2 doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất tinh bột mì và sắp tới là một công ty sản xuất nước sơn, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân ở địa phương.

“Riêng về cây mía, từ khi nông trường Ninh Điền hình thành và phát triển, đã nâng cao năng suất cây mía vùng này lên. Nông trường đang đầu tư nhà máy đường, khi đi vào hoạt động, sẽ tạo được tính cạnh tranh trong ngành mía đường tỉnh nhà, giúp nông dân trong vùng có nhiều lựa chọn trong việc tiêu thụ cây mía”, ông Thủ nói.

Xây dựng nhà máy đường tại Nông trường Ninh Điền.

TẠO CƠ HỘI CHO NÔNG DÂN CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG

Đầu năm 2014, Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam (Vinamilk) đầu tư xây dựng Trang trại bò sữa Tây Ninh tại xã Long Khánh, huyện Bến Cầu với quy mô 8.000 con bò sữa trên diện tích đất trang trại gần 700 ha. Lúc đầu, nơi đây được Vinamilk xây dựng chủ yếu để làm vùng sản xuất cỏ, bắp cung cấp thức ăn gia súc cho các trang trại khác.

Đến khoảng tháng 2.2016, Trang trại bò sữa Tây Ninh chính thức hoạt động. Với nhu cầu nguyên liệu khoảng 30.000 tấn cây bắp tươi làm thức ăn cho bò sữa, công ty không chỉ chủ động trồng trọt tại trang trại mà còn có chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu ra các địa phương lân cận, trong đó ưu tiên cho những hộ nông dân tại xã Long Khánh.

Theo ông Đào Công Minh- Chủ tịch UBND xã Long Khánh, trước đây, xã có các cây trồng thế mạnh là ớt và thuốc lá. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, đầu ra của cây thuốc lá không ổn định. Riêng cây ớt, hai năm qua, đa số người trồng ớt bị thua lỗ do thời tiết bất thường.

“Hiện đã có một số nông hộ chuyển đổi sang trồng bắp, nhưng diện tích chưa nhiều, chỉ mới 26 ha. Một phần do người dân chưa thay đổi được thói quen canh tác lâu nay đối với hai loại “cây trồng thế mạnh” trên. Với chính sách hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm của Công ty Vinamilk, chúng tôi có cơ sở để vận động nông dân chuyển sang trồng bắp, hy vọng sẽ tránh được nguy cơ mất mùa, mất giá như những năm qua”- ông Minh nói.

Đặc biệt, vào đầu năm 2017, Vinamilk đã tổ chức hội thảo về phát triển vùng nguyên liệu thức ăn thô xanh cho bò sữa giai đoạn 2017-2018 tại các xã trên địa bàn huyện Bến Cầu.

Theo đó, người nông dân có thể chủ động hợp đồng với Trang trại bò sữa Tây Ninh để trồng bắp và đến khi thu hoạch sẽ được công ty bao tiêu sản phẩm. Giá thu mua tại trang trại là khoảng 1.100-1.200 đồng/kg cây bắp loại A.

Với những hộ mới lần đầu hợp đồng trồng bắp, công ty sẽ hỗ trợ vay 15 triệu đồng/ha, lãi suất 0% để làm vốn. Khoản tiền này sẽ được thu hồi khi người dân bán cây bắp cho công ty.

Đồng thời, công ty còn hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn miễn phí cho người dân chọn giống bắp năng suất cao, cách chăm sóc đúng quy trình, không phải đầu tư phân diêm quá nhiều nên sau khi trừ chi phí, người dân có thể lãi từ 20-25 triệu đồng/ha. Vụ Đông Xuân vừa qua, diện tích cây bắp trên toàn huyện Bến Cầu là khoảng 350 ha.

“Hiện nay, trang trại chỉ mới có khoảng 5.500 con bò, sắp tới sẽ đưa về đủ số lượng 8.000 con. Bên cạnh nhu cầu phát triển vùng nguyên liệu, công ty cũng đang cần tuyển nhân sự. Chúng tôi đang cần khoảng 50 nhân viên các lĩnh vực như chăn nuôi, chế biến, bác sĩ thú y, phụ trách kỹ thuật, cơ điện lạnh, công nghệ thực phẩm… để đáp ứng nhu cầu phát triển của trang trại.

Chúng tôi đặc biệt ưu tiên cho những người ở địa phương đến tìm việc làm”, ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng Ban Hành chính - Nhân sự của trang trại cho biết. Đối với những người ở xa, trang trại xây dựng nhà ở cho nhân viên có điều kiện ở lại và làm việc.

SẢN XUẤT MÍA GIỐNG CUNG ỨNG CHO VÙNG NGUYÊN LIỆU

Tại khu vực xã biên giới Long Phước (Bến Cầu) trước đây có hơn 300 ha đất được giao cho Công ty Tam Hiệp (Nhật Bản) đầu tư sản xuất rau sạch và các loại nông sản khác. Tuy nhiên, do sản xuất không hiệu quả nên sau đó nhà đầu tư đã ngừng hoạt động. Từ năm 2011, vùng đất này được chuyển nhượng lại cho Công ty mía đường Bourbon Tây Ninh- nay là Công ty Thành Thành Công (TTC) Tây Ninh để đầu tư phát triển cây mía.

Sau khi thành lập, Nông trường TTC Bến Cầu bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ sản xuất mía giống, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến theo quy trình sản xuất giống cấp ba, cung cấp mía giống công nghệ cao cho các vùng nguyên liệu mía của hệ thống nhà máy đường ở Tây Ninh.

Trong sản xuất, Nông trường TTC Bến Cầu tiên phong trong việc ứng dụng kỹ thuật mới, phân lô, bố trí sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn và tiến hành cơ giới hoá nhằm tăng năng suất, chất lượng mía, giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho người trồng mía, từ đó làm tiền đề cho việc phát triển diện tích mía tại khu vực huyện Bến Cầu- vốn còn rất nhiều đất có thể chuyển sang trồng mía.

Ông Đặng Ngọc Trai, Giám đốc Nông trường TTC Bến Cầu cho biết, từ ngày thành lập, nông trường đã tạo được việc làm thường xuyên cho dân địa phương. Khi cây mía mới bắt đầu phát triển, nhu cầu nhân lực chỉ khoảng 25 người/ngày, nhưng khi bước vào vụ sản xuất, tăng lên từ 150-170 lao động/ngày.

Thu nhập bình quân 4.800.000 đồng/tháng/người. Hiện nay, Tây Ninh là một trong những vùng nguyên liệu mía lớn của cả nước. Do đó, việc Nông trường TTC Bến Cầu sản xuất và cung cấp những giống mía tốt đạt năng suất, chất lượng cao thực sự là tin vui đối với người trồng mía, nhất là vùng mía nguyên liệu mới ven biên giới, để người dân nơi đây tăng gia sản xuất đạt hiệu quả cao, góp phần xây dựng cuộc sống vùng phên giậu của đất nước ngày càng khởi sắc.

Theo Báo Tây Ninh