Giải cơn khát vùng nguyên liệu mía

29/08/2016

Mùa khô Tây Nguyên kéo dài từ 5-6 tháng, theo đó, việc tưới nước cho cây mía vào mùa khô rất cần thiết, giúp ruộng mía tăng số cây, tăng năng suất và chữ đường

Mới đây, Cty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai đã đầu tư xây dựng trạm biến áp 250 kVA với hệ thống đường dây trung - hạ áp dọc tuyến kênh chính phía Nam công trình thủy lợi Ayun Hạ, giúp nông dân chủ động tưới nước bằng điện, giúp giải được cơn khát cho những ruộng mía nơi đây.

Mặc dù là cây trồng cạn nhưng cây mía lại cần một lượng nước không nhỏ. Tuy nhiên ở Tây Nguyên, nhiều ruộng mía chỉ trông chờ vào nước trời mà không được tưới đều đặn theo chu kỳ sinh trưởng. Với những ruộng mía được tưới nước thì từ nhiều năm nay, bà con vẫn thường áp dụng những hình thức tưới truyền thống như tưới dây phun Đài Loan, tưới súng, tưới ngầm, tưới tràn, tưới nhỏ giọt...

Mỗi kiểu tưới trên đều có những ưu - nhược điểm riêng, tuy nhiên về lâu dài thì đem lại hiệu quả không cao, tốn nhân công, thời gian sử dụng thấp, lãng phí tiền bạc và tài nguyên nước - vốn đang ngày càng cạn kiệt ở Tây Nguyên.

Trước thực trạng nguồn nước phục vụ cây trồng ngày càng khan hiếm, nên mới đây, Cty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai đã đầu tư xây dựng hệ thống đường dây điện và trạm biến áp 250 kVA, chạy dọc tuyến kênh chính Nam của công trình thủy lợi Ayun Hạ (thuộc huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai).

Công trình có giá trị đầu tư khoảng 2 tỷ đồng, phục vụ kéo điện tưới nước cho nhân dân 2 xã Ia Peng và Chrôh Pơnan. Đây là số tiền Cty đầu tư không hoàn lại, nông dân chỉ cần đăng ký thì có thể kéo điện bơm nước tưới mía.

Công trình gồm đường dây trung áp dài 2,5 km, chiều dài hạ áp 3,2 km. Tổng diện tích mía được tưới từ công trình này khoảng 180 ha, dự kiến con số này sẽ tăng lên khoảng 500 ha trong thời gian tới.

Bà Vũ Thị Lan - quyền Giám đốc nguyên liệu Cty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai, cho biết: Trước tình hình hạn hán ngày càng khốc liệt, ngoài những chính sách đầu tư nguồn vốn khác cho người trồng mía đã làm từ trước, Cty đã chủ động xây dựng hệ thống tưới hiện đại, giúp nông dân trồng mía yên tâm canh tác.

Việc ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống trạm biến áp, đường dây điện là xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của nông dân, bởi một lúc, người trồng mía không thể bỏ một số tiền lớn để đầu tư công trình phục vụ kéo điện tưới mía.

Cũng theo bà Lan thì hiện tại, toàn vùng nguyên liệu của Cty đã có trên 2.600 ha mía được tưới nước thường xuyên theo hướng thâm canh. Việc đầu tư công trình trên đã giúp những ruộng mía nơi đây có nước tưới thường xuyên, giúp nông dân ngày càng gắn bó với cây mía.

Ngoài ra, Cty cũng thường xuyên hỗ trợ nông dân kỹ thuật bón phân và các kỹ thuật khác, đầu tư thiết bị tưới cho cây mía nhằm nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Những động thái trên đã giúp nông dân trồng mía tháo gỡ khó khăn, có cuộc sống ổn định từ cây mía... Niên vụ 2016-2017, ngoài các chính sách hỗ trợ trên, Cty còn khuyến khích đầu tư không hoàn lại 3 triệu đồng/ha ở những diện tích lắp đặt hệ thống tưới béc quay cố định.

Được biết, đến thời điểm này, vùng nguyên liệu của Cty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai có khoảng 10.000 ha mía, tập trung ở các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa, Chư Prông và thị xã Ayun Pa. Để ứng phó với nắng hạn kéo dài trong thời gian qua, Cty đã triển khai nhiều biện pháp như hỗ trợ giảm 100% lãi suất đầu tư đào ao, khoan giếng, mua thiết bị tưới, chi phí đầu tư vận hành bơm tưới, chi không hoàn lại 2 triệu đồng/ha có tưới...

Với những chính sách ưu đãi như trên, nông dân ngày càng yên tâm với ruộng mía của mình. Ông Ngô Văn Mạnh (thôn Yên Phúc, xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện), cho biết: Thời gian qua, hạn hán kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ, có ruộng mía sinh trưởng phát triển kém, không ít ruộng bị chết khô, chết cháy.

"Gia đình tôi hiện chỉ còn khoảng 2,5 ha đang tập trung bơm tưới từ hệ thống đường điện và hệ thống tưới mà Cty Thành Thành Công đã đầu tư. Hiện ruộng mía sinh trưởng và phát triển rất tốt", ông Mạnh nói.

Còn ở xã Ia Peng, nông dân Đỗ Văn Quang vui vẻ cho biết: "Nhà tôi có 6 ha mía đã trồng từ nhiều năm nay. Vụ trước, nắng hạn kéo dài nên phải tưới bằng máy bơm, tốn kém lắm. Vừa rồi, nhờ có hệ thống lưới điện do Cty Thành Thành Công xây dựng, người trồng mía chúng tôi rất phấn khởi bởi việc tưới mía sẽ thuận lợi và tiết kiệm hơn so với tưới bằng máy nổ như trước. Điều này đã giúp nông dân chúng tôi chủ động tưới mía từ đầu vụ nhằm hạn chế tình trạng mía bị khô héo"...

Với những chính sách đầu tư như trên, vùng nguyên liệu mía nơi đây đã dần giải được cơn khát, tạo bước đột phá trong việc xây dựng và bảo vệ vùng nguyên liệu ngày càng bền vững.

Theo bà Vũ Thị Lan thì, nông dân trồng mía nên mạnh dạn đầu tư vào hệ thống tưới béc quay cố định, nhằm mang lại hiệu quả cao hơn so với các hình thức tưới khác. Ngoài những ưu việt như lượng nước nhiều và đều, giảm chi phí nhân công, tiết kiệm nước và nhiên liệu thì thời gian sử dụng từ 6-7 năm đã được chứng minh. Với hình thức tưới này, ruộng mía sẽ tăng năng suất từ 22-25 tấn/ha so với những ruộng mía không được tưới, và tăng trên 10 tấn/ha so với những chân ruộng được tưới bằng hình thức truyền thống

Theo nongnghiep.vn