Chủ tịch TTC Đặng Văn Thành: Chu kỳ giảm giá là thách thức của ngành đường

21/08/2017

Đây là phát biểu của ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC tại Hội thảo thường niên mía đường quốc tế TTC lần V tại TP.Phan Thiết, Bình Thuận do Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) và Tập đoàn TTC đồng tổ chức sáng nay, 17/08.

Hội thảo lần này có chủ đề “Tái cơ cấu mía đường Việt Nam” với 400 khách mời đến từ 16 nền kinh tế, cùng tham gia đưa ra những giải pháp, bài học từ những kinh nghiệm của các quốc gia mía đuồng lớn trên thế giới.

Theo báo cáo của VSSA, kết thúc niên vụ 2016-2017, sản lượng đường trong nước đạt gần 1,227 triệu tấn và là niên vụ thứ 3 liên tiếp có sản lượng đường sụt giảm. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ chậm, đường tồn kho tăng cao, sau 2018 Asean áp dụng thuế nhập khẩu đường ở mức 0%...lại càng đặt ra yêu cầu thay đổi cho các doanh nghiệp cũng như ngành mía đuờng Việt Nam.


Toàn cảnh Hội thảo mía đường quốc tế TTC lần 5 tại Bình Thuận.

Trước đó, trong kỳ Họp quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã khẳng định, việc tái cơ cấu ngành mía đường là vấn đề cần phải quan tâm. Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 300.000 ha mía, sản lượng 5,4 triệu tấn, mặc dù sản lượng không lớn nhưng có vai trò quan trọng tới an ninh lương thực nên phải quan tâm, phải thực hiện tái cơ cấu ngành này.

Phát biểu tại Hội nghị lần này, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, sau 22 năm triển khai trương trình 1 triệu tấn đường, sản lượng trung bình vào vụ cao nhất đạt 65 tấn mía/ha và 6,5 tấn đường/ ha. Trong 41 nhà máy mía đường của cả nước đều từng bước tăng cường nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc nâng cao kỹ thuật, công suất các nhà máy đã tăng gấp hai lần so với năm 2000.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC cho biết, Tập đoàn đã có 38 năm hình thành và phát triển trong 5 ngành chủ lực và nhấn mạnh lại vai trò của doanh nhân trong việc phát triển các ngành. Ngành mía đường của TTC vẫn luôn trăn trở xoay quanh 3 mấu chốt: vùng nguyên liệu, sản xuất và thị trường. Việc phát triển mía đường của TTC hướng đến thực hiện chương trình nông dân có lời, nhà máy có lãi và có thể đa dạng hóa các sản phẩm cạnh đường. Tuy nhiên, chu kỳ giảm giá của ngành đường đang là thách thức của ngành đường hiện nay.

TS Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, trước 1994 Việt Nam chỉ có 9 nhà máy mía đường với công suất khoảng 11 nghìn tấn đường/năm trong khi hiện nay là 41 nhà máy với sản lượng 140.000 tấn đường/năm. Dù vậy, ngành mía đường nước nhà còn yếu do các chính sách còn rời rạc, thiếu hệ thống, chưa tạo động lực cho ngành phát triển bền vững.

Ông Doanh đưa ra các ví dụ về sự bất cập này đến từ các chính sách về đất đai; chính sách về hạ tầng giao thông  (chưa có công trình thủy lợi nào thực hiện cho vùng sản xuất); chính sách về hỗ trợ cơ giới hóa, giảm tổn thất trong sản xuất; chính sách khoa học và công nghệ...

Cụ thể, việc phát triển các sản phẩm cạnh đường cũng được đưa ra bản thảo với chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm phụ trợ mía đường. Ví dụ, sản xuất ethanol, rượu từ mật rỉ thu được từ quá trình kết tinh đường, qua quá trình lên men. Dù sản phẩm mật rỉ có biên lãi gộp thấp, dưới 1% nhưng nếu kinh doanh ethanol có thể đem lại tỷ suất lên đến 30%...

Hội thảo mía đường quốc tế năm nay sẽ gồm 3 phiên: Hội thảo về Chính sách tái cơ cấu mía đường-Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho ngành mía đường kéo dài suốt ngày 17/08. Hai phiên còn lại là Hội thảo chuyên đề Nông nghiệp-Tái cơ cấu dưới góc nhìn nông nghiệp và chuyên đề Kỹ thuật- Tái cơ cấu dưới góc nhìn kỹ thuật sản xuất công nghiệp mía đường sẽ tổ chức trong ngày mai 18/08.


Theo Báo Đầu Tư