Bón phân thích hợp cho mía để có chữ đường cao

17/07/2017

Cây mía có nguồn gốc nhiệt đới, do đó với khí hậu của Việt Nam, cây mía có khả năng cho năng suất rất cao. Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có câu lạc bộ 200 tấn mía cây/ha, còn năng suất mía cây 100 tấn có rất nhiều. Điển hình như ở cù lao Dung, Sóc Trăng có diện tích đạt đến 269 tấn/ha.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là năng suất mía cây cao thì chữ đường giảm, nên năng suất đường vẫn không cao. Do bón phân không cân đối, thừa đạm, thiếu kali. Ở Tập đoàn TTC, hay công ty mía đường Quảng Ngãi mô hình 120 tấn mía cây có khá nhiều. Trong lúc năng suất bình quân mía thế giới dao động từ 70-75 tấn/ha. Thái Lan là nước sản xuất mía tốt nhất cũng chỉ đạt bình quân 70-75 tấn/ha. Chương trình mía đường quốc gia của Việt Nam năm 2005-2010 chỉ đạt 59 tấn/ha. Tuy nhiên, những năm gần đây đã nâng đạt 65 tấn/ha.

Muốn đưa năng suất lên cao, bà con cần chú ý các yếu tố như: giống, môi trường và kỹ thuật (môi trường gồm đất, nước, nhiệt độ, sâu bệnh, còn kỹ thuật là bao gồm làm đất, chăm sóc và đặc biệt là lượng dinh dưỡng cung cấp cho mía).

Năng suất mía cây của Việt Nam còn ở dưới mức bình quân của thế giới là do chưa cung cấp đủ điều kiện cho mía, trong đó lý do chính là giá mía cây thấp, có năm người trồng bị lỗ, giá cả lại thất thường, thiếu sự liên kết giữa nhà máy với nông dân, nên nông dân không thiết tha đầu tư, chỉ có những nơi như Mía đường Quảng Ngãi, TTC hay Sông Lam có sự liên kết chặt chẽ, có đầu ra ổn định, nông dân được hỗ trợ sản xuất, nên năng suất mía tăng gần ngang bằng với năng suất mía Thái Lan.

Chính điều này cho ta thấy, nếu làm tốt, năng suất mía ở VN còn có thể tăng cao hơn. Năng suất mía chính là năng suất đường/ha. Kết hợp giữa năng suất mía cây và chữ đường của mía, muốn đạt được điều này, bà con cần đảm bảo mật độ thích hợp cho mía, và chú ý đến loại phân và cách bón phân cho mía để chữ đường đạt bình quân 10CCS trở lên thì năng suất đường mới cao. Bà con chỉ cần bón cho mía 3 đợt phân: Bón lót và thúc đẻ để đảm bảo số cây đông đặc, bón thúc 2 khi cây vươn dóng và tích lũy đường lúc mía đạt từ 4-6 tháng, sau đó ruộng mía đông đặc không bón phân được nữa.

Vì vậy, loại phân sử dụng cho mía cần đảm bảo để đạt được mục đích ấy. Công ty CP phân bón Bình Điền có các loại phân Đầu trâu mía 1, Đầu trâu mía2 hoặc TE mía1 TE mía2 cũng như Đầu trâu đẻ nhánh, Đầu trâu vươn dóng, rất thích hợp để đáp ứng cho mục đích này.

Ngoài yếu tố giống, môi trường và kỹ thuật, bà con cũng cần liên kết để sản xuất, liên kết với nhà máy để ổn định đầu ra và thực hiện việc cơ giới hóa để vườn mía của bà con không những đạt năng suất cao mà còn giảm chi phí, tăng thu nhập.

Theo Lao Động